Categories
Uncategorized

Mất xe đạp

TTCT – Con nhỏ ngồi tru tréo, đúng hơn là vừa khóc vừa tru mà không có giọt nước mắt nào chui khỏi đôi mắt một mí của nó.

Mất xe đạp

Minh họa: Hoàng Tường

– Mày trả tao cái xe đạp!

Tay gãi mông, thằng kia cũng tru nhưng không khóc. Bàn chân mang dép lào vẹt gót của nó cứ nhún nhún.

– Xe ai mà trả? Ai lấy mà trả?

Rồi con nhỏ tru tréo về chuyện tối qua nó để xe đạp ngoài hẻm, thằng kia ngồi đánh bài. Sáng ra tụ bài tàn, xe đạp biến. Cả xóm đứng nghe hết mười phút, chừng hồi trẻ con bắt đầu lèo nhèo trễ học thì người lớn cũng bỏ đi. Có gì coi chuyện xe đạp. Xóm đã quá nhiều chuyện. Chuyện trong nhà tràn ra xóm. Chuyện ông Đỗ gái gú khiến bà Đỗ đột quỵ, xe cấp cứu không lọt nổi vô hẻm vì người ta bu đen trước cổng. Chuyện cô Thị bị bồ đuổi ra đường cùng mớ đồ quấn bọc nilông. Chuyện đời người này cứ bày ra trước mắt người khác. Cho nên cái xe đạp cũng chỉ là một tiếng ồn ban sáng. Trưa về thể nào cũng có việc khác cần nghe hơn.

Chỉ có ông già bơm xe đạp là phiền. Con nhỏ đứng cách cái ghế gỗ ông ngồi bốn bước chân, thằng kia đứng xáp gần con nhỏ khoảng hai bước chân. Hai đứa léo nhéo đến mức khách muốn bơm xe cũng ngại ghé vô dù ông già đã cố tình cười ra điệu chiều lòng khách như mấy cô siêu thị. Mà ông già bơm xe ít khi cười. Mặt ông nhăn như miếng vải ủi không khéo, chỗ này da đùn, chỗ kia da căng ra. Chuyện ông cười ít nhiều không ai để ý, chỉ biết ông im lặng và ít bày tỏ thái độ.

Sáng ông kéo bộ đồ nghề ngồi đúng vào miếng vuông gạch lề đường, tối 8g mờ kịt ông lại dọn đồ, bước ra khỏi viên gạch về đâu không ai rõ. Có bữa ông kê thêm chai rượu trắng trong chai nước suối, cà kê mình ông đến nửa khuya. Một mình uống rượu chắc buồn lắm nên ông lại càng im ắng, rồi loạng choạng thu đồ nghề về.

Hai đứa vẫn tru tréo, từ xe đạp ra đến mất dạy, không cha và đủ thứ trò đời. Ông già hết kiên nhẫn cười với khách, miễn cưỡng lên tiếng đằng hắng:

– Hai đứa mày ra quán cơm mà chửi. Chỗ đó đông người thiên hạ xử.

Con nhỏ liếc, mắt một mí liếc chỉ thấy được màu đen con ngươi đảo đến cuối chân mắt.

– Tui không cần ai xử. Chỉ cần thằng này đưa xe đạp cho tui.

– Mày khỏi lo, ai xử hay không ai xử tao cũng đếch có đưa. Ai lấy mà đưa? Tang chứng đâu?

– Mày làm như tao cảnh sát hình sự giựt gân. Tao không có tang chứng, tao biết mày lấy!

Ông già coi bộ thua, chặc lưỡi, định bụng coi như bỏ bữa cơm gạo hôm nay vì đám này. Đột nhiên con nhỏ im re, không tru lên. Nó chấm một câu:

– Dẹp. Mày không lấy thì bỏ. Tao đi. Trời có mắt.

Thằng nhỏ nghe xong khoái chí hừ một tiếng rồi biến. Dáng đi của nó coi bộ sắp sà vào bàn bài bạc nào đó. Còn mình, con nhỏ ngồi bệt bên cạnh viên gạch ông già. Nó gom hết tiền lẻ trong túi ra đếm, đếm xong (độ 50 ngàn đồng, ông già lướt nhanh) cất phẳng phiu rồi khóc. Không tru nữa, nó chuyển qua khóc, nước mắt dầm dề, ướt hết mặt. Ông già hơi sững lại. Nãy giờ nó không khóc, giờ nó khóc, thằng kia đi mất, ông biết làm gì? Khách vẫn không ghé, thậm chí còn hằn học nhìn ông. Ông già thấy tội con nhỏ ít, tội mình nhiều.

– Mày chạy kiếm nó mà khóc.

– Tui kiếm nó chi, tui cãi đâu lại nó, làm nó điên lên nó rượt đánh tui cũng không chạy kịp.

– Thì… vậy nín đi. Chứ tao biết làm gì?

– Từ từ tui nín.

Con nhỏ quẹt mặt dơ của nó hai cái, coi chừng nước mắt vẫn chực trào ra.

– Tui mất xe lấy gì trả vé số kịp? Rồi mai mốt lỡ không bán được vé số biết lấy gì cầm nuôi cơm.

Con nhỏ coi cái xe như phao, khi bị bí đường ít ra đem cầm cũng được vài bữa cơm chờ hết hạn. Đại loại ông già hiểu sự vụ nó khóc vì thế. Ông mà mất cái thùng đồ nghề biết đâu cũng khóc. Người ta kêu nam nhi không khóc, người giàu không khóc. Vậy chứ buồn thương có chừa ai? Đời ông già thì đã rõ khổ cực. Đời sống nhiều người quanh ông cũng không khá hơn. Kẻ chết vạ, người bỏ quê, có kẻ bỏ quê vẫn chết vạ vì thiếu ăn. Siêu thị càng nhiều thì quán cóc càng chết dần đi. Xe hơi càng nhiều thì ba gác triệt như một quân bài tàn. Cũng may là xe nào cũng đi bằng bánh xe cần bơm rút. Bởi vậy mà ông còn viên gạch ngồi. Chỉ sợ vài bữa viên gạch dỡ lên theo nhà nước thì ông lại lang thang kiếm “sạp”.

Nhưng khổ vậy mà ông cũng không chịu nổi cái khổ của người khác, đặc biệt là khi nó bày ra trước ông như thế này. Nó không phải là đánh ghen bầm mặt tím gan, không giựt hụi rách vai xé áo. Chỉ có con nhỏ một mí mất xe đạp la làng không nổi ngồi khóc tỉ tê. Nó la thì lớn mà sao khóc nhỏ xíu, nhi nhí như tiếng con chim gì buồn thương than thở.

–  Giờ ngồi khóc thì xe đâu có hiện ra?

– Tui biết. Tại nãy giờ chửi thằng kia nhiều nên mệt, định ngồi nghỉ rồi tự nhiên khóc. Ông bơm xe đi.

Ông già thấy bà bán cơm chuẩn bị dẹp, biết đến gần 11g. Coi như đi hết nửa ngày. Mà đã xong đâu, coi bộ dạng tỉ tê vầy không chừng nó khóc nửa ngày còn lại cũng nên. Đàn bà con gái gì chứ khóc lóc khỏe lắm. Nước mắt ở đâu mà họ lôi ra kể lể khóc than dữ. Như lần cuối ông chia tay người yêu, cũng nhìn một chập khóc than nước mắt tèm nhèm. Mà phải đi, phải xa. Ai biểu ông không biết làm gì hơn ngoài giao gạo? Ai biểu con gái vựa gạo cũng không dám làm gì hơn ngoài khóc? Coi bộ con nhỏ ngồi đây khóc thêm hồi nữa thì chuyện đời ông bị lôi ra phơi giữa trí nhớ già nua vốn đã giúp ông trốn thoát nhiều vụ phiền muộn.

– Mày ăn trưa đi, tao cho tiền. Ăn rồi kiếm gì đó làm cho quên cái xe.

Con nhỏ ngước mắt một mí nhìn ông. Ai biết nó xúc động hay bực bội. Chỉ biết nó hết tỉ tê:

– Giờ tui cầm tiền ăn rồi mai tui đói ông có cho không? Tui mất xe là mất cơm, đâu phải hôm nay không?

Ông già phát bực. Bực vì nó nói đúng. Câu hỏi kiểu đó thì nó cần gì ông trả lời. Bực vì ông tội nghiệp, muốn giúp mà rồi giúp cũng không được đến đâu, đến độ người được giúp không cảm ơn mà còn vạch ra sự bất lực của ông. Ông ngồi bơm xe với thùng đồ nghề chứ có phải ngồi xe máy lạnh bấm bấm điện thoại mà nó đòi ông làm công lý cho nó. Chưa kể đời ông bao giờ thấy được công lý, có thấy cũng chỉ léo nhéo trên mấy bộ phim tàu Bao Công hay thanh tra chiếu ở quán cà phê cóc. Không có nó ông vẫn sống và bơm xe, có nó cũng không rõ đời khá hơn. Chỉ có điều mỗi lần thiên hạ cãi nhau dường như cách này hay cách khác họ kêu đòi công lý. Như một đứa trẻ cứ đói bụng là đòi ăn, đâu đó giành giựt là công lý lại hiện lên như một nhu cầu. Mà ông chịu hết xiết cái nóng buổi trưa, con nhỏ một mí và trò tra tấn đầu óc ông.

– Mày cầm thêm 50 ngàn. Coi như được… (ông nhẩm tính) ba hay bốn bữa no. Tao giúp tới đây thôi.

Nói rồi ông tự thu dọn và đi khỏi viên gạch. Chắc ông sợ ngồi lâu thì tiếc tiền, rồi lại giằng co đâm hối hận. Lòng tốt ít khi sống nổi với giằng co, trừ khi đó là một lòng tốt không bị thử thách. Như bà tiệm vải cho 500 đồng kẻ ăn xin, lòng tốt ấy có thể thoát ra được cái hối hận và nghĩ lại. Chứ ông ngày kiếm được 50 ngàn đồng không phải dễ, cho đi là coi như cho sự an toàn no nê mấy bữa. Tại ông còn bộ đồ nghề…

Từ đó đến gần 10g tối người ta mới thấy ông già về. Không rượu chè mà vẫn về khuya, cố cười với người khách cuối cùng rồi loay hoay dọn và biến mất. Chắc trong ông cũng đã giằng co và xâu xé, mà trễ rồi, con nhỏ biến mất từ sau bữa trưa.

Nó đang ngồi ăn cơm góc hẻm đối diện. Cơm xong thì thằng cà tưng hồi sáng trờ tới, tay gãi mông, gọi ly trà đá rồi kéo ghế.

– Được nhiêu?

– 40.

– Mẹ, tốn cả buổi sáng có nhiêu đó.

– Mẹ cha gì, ông già vá xe chứ phải triệu phú mà mày đòi hơn. Mày không tha đến ổng.

– Tha ổng thì mày có ngồi đây ăn cơm không?

Con nhỏ một mí im. Từ bên này nhìn không rõ lắm viên gạch bên kia đường. Nó chỉ mập mờ nghĩ chắc ổng về. Mai ổng lại ra, khách lai rai không thiếu. Cầu trời ổng đừng đổ bịnh.

CAO QUANG THANH THẢO

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.